Cây đinh lăng ngoài tác dụng làm cảnh còn có ý nghĩa tốt trong phong thủy.
Vị trí trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng là loại cây cảnh quen thuộc với người Việt. Cây này dễ trồng, thích nghi với nhiều môi trường đất và khí hậu khác nhau. Cây ngoài tác dụng làm cảnh còn có thể dùng như rau gia vị, ăn kèm các món gỏi, nem chua hoặc dùng để nấu canh. Ngoài ra, cây đinh lăng còn là một loại dược liệu, giúp bồi bổ sức khỏe cho người già, người mới khỏi ốm, sản phụ hoặc dùng trong trường hợp bị nhức đầu.
Cây đinh lăng còn được danh y Hải thượng Lãn Ông ví như “nhân sâm của người nghèo” vì những giá trị mà nó mang lại cho sức khỏe của con người.
Cây này không quá cao. Khi trồng làm cảnh, gia chủ không phải lo về việc cây che khuất nhà cửa. Cây có lá tươi tốt quanh năm, chỉ khi lá già mới chuyển sang màu vàng. Cây ít bị sâu bệnh, phát triển tốt mà không cần chăm sóc nhiều.
Về ý nghĩa phong thủy, cây đinh lăng được coi là loại cây có tác dụng chặn khí xấu vào nhà, giữ nguồn năng lượng tốt, làm tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán. Vì thế, người ta còn ví loại cây này như “thần giữ của” cho gia đình.
Người ta còn ví loại cây này như “thần giữ của” cho gia đình.
Cây đinh lăng có dáng thân và lá đẹp, xanh mướt quanh năm, mùi thơm nhẹ nhàng, có tác dụng tạo cảm giác thoải mái, làm đẹp cho không gian sống. Khu vực trước sân, trước nhà được coi là vị trí tốt nhất để trồng cây đinh lăng.
Khi trồng cây đinh lăng trước nhà, gia chủ cần chú ý không để cây chắn ngay lối đi hay mặt tiền của ngôi nhà. Phía trước ngôi nhà chính là nơi thu hút vượng khí của gia đình. Nơi đây cần có sự thông thoáng, sáng sủa. Khi trồng bất cứ loại cây gì ở phía trước nhà, gia chủ nên trồng chếch sang một bên hoặc trồng cây theo cặp, mỗi bên một cây để tạo sự cân đối.
Ngoài ra, không nên trồng cây đinh lăng sát vào tường. Hãy ưu tiên để cây ở vị trí đón nắng tốt vì loại cây này vốn ưa nắng.
Nếu trồng cây trong chậu, vị trí tốt nhất để đặt chậu cây là ban công, hiên nhà hoặc sân thượng. Những nơi này có nguồn ánh sáng tốt, giúp cây sinh trưởng mạnh.
Nếu đặt chậu cây đinh lăng trong phòng khách, gia chủ nên để ở vị trí cạnh cửa sổ giúp cây đón nhiều ánh sáng.
Với trường hợp muốn đặt cây đinh lăng ở phòng ngủ, tốt nhất nên chọn cây có kích thước nhỏ và đặt cạnh cửa sổ. Trước khi ngủ, có thể đặt chậu cây ra ngoài hiên hoặc mở cửa sổ để tránh tình trạng phòng bị ngột ngạt do cây hút khí oxy, nhả ra khí carbonic.
Lưu ý khi trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng dễ trồng. Bạn có thể chọn trồng cây này bằng cách giâm cành. Nên chọn đất tơi xốp, bón thêm phân chuồng hoặc phân NPK để tăng dinh dưỡng cho cây. Khi giâm cành, nên chọn cành của những cây khỏe mạnh từ 2 năm tuổi trở lên. Cành được chọn phải là cành khỏe, không sâu bệnh, cắt dài khoảng 10 cm để cắm vào đất.
Sau khi cắm cành đinh lăng vào đất, hãy tưới một ít nước và phủ lên trên một ít rơm hoặc bèo tây để giữ độ ẩm, tăng độ mùn cho đất.
Khoảng 25-30 ngày sau, lá mới bắt đầu mọc ra. Thời gian tốt nhất để trồng cây mới là khoảng tháng 1 đến tháng 4 hằng năm.
Trồng cây ở nơi có khả năng thoát nước tốt. Nếu trồng trong chậu, chậu cần có lỗ thoát nước để tránh tình trạng nước đọng khiến rễ cây bị thối.
Từ năm thứ 2 trở đi, nên tỉa cành cho cây 2 lần, một lần vào tháng 4 và một lần vào tháng 9.
Nếu trồng cây đinh lăng lấy rễ, có thể bắt dầu thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi. Đây là thời điểm rễ cây đinh lăng có giá trị dinh dưỡng cao. Thời gian thu hoạch tốt nhất là khoảng tháng 10 đến tháng 12. Sau khi thu hoạch, có thể giữ lại các thân cây tốt để tiếp tục làm giống.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.